top of page

Voice Talent & AI Voice Cloning: Làm sao để bảo vệ giọng nói?

Đã cập nhật: 2 ngày trước

Chỉ với 3 giây thu âm, một bản sao giọng nói hoàn chỉnh có thể được tạo ra bởi AI. Công nghệ đã vượt xa trí tưởng tượng – và đang biến chính giọng nói của bạn thành mục tiêu cho những trò lừa đảo tinh vi chưa từng có. Vậy trước làn sóng Voice Cloning làm sao để có thể bảo vệ giọng nói?


  1. AI voice cloning – công nghệ mới, hiểm họa thật

Trong thời đại AI bùng nổ, voice cloning (tạm dịch: công nghệ sao chép giọng nói) là một trong những nhánh phát triển đáng kinh ngạc và cũng đáng lo ngại nhất. Chỉ cần một đoạn audio ngắn, AI có thể học và mô phỏng giọng nói của bạn với độ chính xác khó tin, từ cao độ, ngữ điệu đến nhịp nói. Nếu như trước đây deepfake chỉ dừng ở hình ảnh thì giờ đây, giọng nói – thứ từng rất riêng tư, rất con người đã trở thành mục tiêu kế tiếp.


Không phải giả thuyết. Đây là thực tế:

  • Scarlett Johansson kiện OpenAI vì một giọng nói “na ná” cô được dùng cho trợ lý ảo Sky, dù cô từng từ chối đề nghị hợp tác. (Nguồn: NYT)

  • Bad Bunny - siêu sao Latin, nổi giận khi một bài hát viral được tạo bằng giọng giả AI giống hệt anh mà chưa từng được phép.

  • Tại New Hampshire, hàng chục nghìn cử tri nhận được cuộc gọi giả giọng Tổng thống Joe Biden để tác động đến bầu cử sơ bộ.

  • Một công ty tại Hong Kong thiệt hại 25 triệu USD vì giám đốc bị "deep voice" giả danh trong một cuộc gọi nội bộ.


Không ai an toàn. Nếu bạn là voice talent, MC, podcaster, content creator, hoặc chỉ đơn giản là một người có giọng nói được đăng tải công khai, bạn có thể là nạn nhân tiếp theo và bị đánh cắp giọng nói một cách dễ dàng.


  1. Vì sao vấn đề trở nên nghiêm trọng?

Theo báo cáo mới từ News, phần lớn các nền tảng AI voice hiện nay thiếu kiểm soát, không xác minh danh tính người dùng, và không yêu cầu quyền sử dụng giọng gốc.


Nói cách khác: ai cũng có thể tạo ra giọng bạn miễn là họ có bản ghi âm ngắn (thậm chí lấy từ podcast, video, voicemail hay Tiktok của bạn).


  1. Làm sao để bảo vệ giọng nói của bạn?

- Chủ động bảo vệ bản ghi âm

  • Không gửi file gốc không watermark cho khách hàng chưa rõ danh tính.

  • Nén hoặc giảm chất lượng bản demo, đặc biệt khi chia sẻ công khai.

  • Thêm watermark ẩn bằng công cụ chỉnh sửa audio để đánh dấu giọng gốc.

- Tăng kiểm soát hợp đồng

  • Ràng buộc chặt chẽ trong hợp đồng: yêu cầu điều khoản không sử dụng lại, không khai thác AI.

  • Nếu có thể, yêu cầu khách hàng cam kết không dùng dữ liệu để huấn luyện mô hình AI.

- Hiểu luật và vận dụng luật

Tại Việt Nam, giọng nói chưa được bảo hộ như một tài sản độc lập. Tuy nhiên:

  • Bạn có thể đăng ký bản ghi âm như tác phẩm ghi âm, được bảo hộ theo quyền liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ.

  • Gợi ý: Đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả, đi kèm giấy tờ xác minh sở hữu, hợp đồng thu âm nếu có.

- Sử dụng công cụ kiểm tra voice


  • Dùng AI để chống lại AI – một số nền tảng đang phát triển công cụ phát hiện giọng nói giả (AI-detection).

  • Nếu phát hiện giọng bạn bị sao chép, thu thập bằng chứng, gửi yêu cầu gỡ bỏ hoặc khởi kiện.





  1. Giải pháp lâu dài: Nâng cao nhận thức và kiến thức

Giọng nói không chỉ là công cụ làm nghề mà còn là danh tính số (digital identity) của bạn.

Hãy bắt đầu bằng việc:

  • Tham gia các workshop AI & voice, tìm hiểu về "bản quyền số".

  • Tìm hiểu cách các nền tảng lưu trữ và xử lý dữ liệu voice bạn gửi đi.

  • Theo dõi các vụ kiện và cập nhật diễn biến toàn cầu để không bị động trong cuộc chơi mới này.


  1. Bạn chọn mạo hiểm hay tự bảo vệ giọng nói của mình?

Công nghệ AI voice cloning có thể là cơ hội, nếu bạn làm chủ nó. Nhưng nó cũng có thể là rủi ro lớn nhất trong sự nghiệp nếu bạn phớt lờ nó.


Voice talent, bạn đã sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ chính mình chưa? Đừng chờ đến khi giọng nói của bạn vang lên trong một... cuộc gọi mà bạn chưa từng thực hiện.

Vậy, chần chừ gì mà không bảo vệ giọng nói của mình ngay từ bây giờ!

 
 
 

Bình luận


bottom of page